Biến chứng quai bị và những điều quan trọng bạn cần biết


Biến chứng quai bị gây viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, làm giảm khả năng sinh sản và còn nhiều nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bệnh quai bị cũng dễ lây truyền qua đường hô hấp nếu bạn không may tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi, khạc nhổ,…

1. 6 biến chứng quai bị nghiêm trọng

1.1 Viêm tinh hoàn ở nam giới

Viêm tinh hoàn là biến chứng quai bị điển hình thường xảy ra ở nam giới trong độ tuổi dậy thì. Tình trạng viêm một bên tinh hoàn sẽ thường gặp hơn so với viêm cả hai bên. Sau khoảng 5 – 7 ngày bị sưng mang tai, người bệnh có biểu hiện sốt cao, nhức đầu, ớn lạnh, tinh hoàn sưng đau, phần da bìu nóng đỏ, phù nề và căng tức. Hơn nữa, người bệnh có nguy cơ bị viêm mào tinh, viêm thừng tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn,…

Sau khi diễn tiến khoảng 3 – 5 ngày, bệnh nhân ngừng sốt nhưng tinh hoàn vẫn còn sưng đau. Cần đến 2 – 3 tuần sau tinh hoàn mới hết sưng, tuy nhiên phải mất nhiều thời gian hơn để đánh giá người bệnh có bị teo tinh hoàn hay không. Trường hợp bị teo một bên tinh hoàn thì nam giới vẫn còn khả năng sinh sản. Nếu bị teo cả hai bên thì nguy cơ bị vô sinh rất cao. 

viêm tinh hoàn ở nam giới
Viêm tinh hoàn có thể dẫn đến teo tinh hoàn gây vô sinh

1.2 Viêm buồng trứng ở nữ giới

Tỷ lệ nữ giới gặp biến chứng viêm buồng trứng sau quai bị khoảng 7%. Người bệnh xuất hiện các cơn đau bụng âm ỉ, đau từng cơn ở một bên hố chậu, ra nhiều khí hư bất thường, có mùi hôi. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến viêm buồng trứng mãn tính, u nang buồng trứng, tắc vòi trứng, mưng mủ buồng trứng, giảm chất lượng trứng làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. 

viêm buồng trứng ở nữ giới
Viêm buồng trứng khiến âm đạo tiết dịch bất thường

1.3 Viêm não và viêm màng não

Virus quai bị khi xâm nhập vào cơ thể có thể tấn công hệ thần kinh trung ương, dẫn tới viêm não và viêm màng não, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Viêm màng não xảy ra sau khi sưng tuyến nước bọt khoảng 3 – 10 ngày, gây sốt cao, nhức đầu, co giật, rối loạn ý thức. 

Biến chứng viêm não ít xảy ra hơn viêm màng não, nhưng lại nguy hiểm hơn rất nhiều. Bệnh nhân quai bị có biểu hiện tăng trương cơ lực, rối loạn về ý thức và vận động, thậm chí dẫn đến viêm đa rễ thần kinh, viêm tủy sống cắt ngang,…

viêm não và viêm màng não
Biến chứng viêm màng não thường gặp ở trẻ em

1.4 Viêm tụy 

Một trong những biến chứng quai bị là viêm tụy, thường xảy ra vào ngày 4 – 10 khi giảm sưng tuyến mang tai. Viêm tụy khiến người bệnh gặp cơn đau dữ dội, đau thượng vị cấp, nôn và đầy bụng, chán ăn, đi ngoài phân lỏng. Thông thường viêm tụy ở thể ẩn và chỉ được biết qua xét nghiệm biến đổi sinh hóa. 

1.5 Nhồi máu phổi 

Nhồi máu phổi là biến chứng có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị. Đây là biến chứng thường gặp ở nam giới trong độ tuổi sau dậy thì. Huyết khối từ tuyến mạch tiền liệt tuyến gây cản trở lưu thông máu, khiến một vùng phổi bị thiếu máu nuôi dưỡng, nguy cơ dẫn đến hoại tử mô phổi. 

1.6 Điếc tai vĩnh viễn

Điếc tai là biến chứng xảy ra do virus quai bị làm tổn thương ốc tai, thường xảy ra ở giai đoạn khởi phát của bệnh, gây mất thính lực vĩnh viễn, không có khả năng hồi phục. Hiện nay, chưa có phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa và điều trị biến chứng này. Cách duy nhất là cấy ghép ốc tai sẽ rất khó khăn và tốn kém.

Ngoài những biến chứng trên, người bệnh quai bị còn có thể gặp phải một số biến chứng khác nguy hiểm hơn như viêm cơ tim, viêm đường hô hấp, viêm tuyến giáp,…Đặc biệt nếu phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ gặp biến chứng quai bị thì tỷ lệ sảy thai rất cao. 

Biến chứng quai bị gây điếc tai vĩnh viễn
Virus quai bị làm tổn thương ốc tai dẫn tới điếc vĩnh viễn

2. Bệnh quai bị có lây không?

Quai bị là bệnh truyền nhiễm dễ dàng lây lan từ người bệnh qua người lành. Ngay cả khi người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng thì vẫn có khả năng lây truyền cho những người xung quanh. Giai đoạn dễ lây nhất là thời kỳ ủ bệnh, thường kéo dài từ 2 – 3 ngày trước khi các triệu chứng bùng phát và khoảng 6 ngày sau khi các triệu chứng bệnh biến mất. 

3. Bệnh quai bị lây qua đường nào?

Con đường lây truyền của bệnh quai bị chủ yếu là qua đường hô hấp. Virus quai bị sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ bám vào niêm mạc mũi, miệng, họng,…Khi người bệnh nói, ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ thì dịch tiết chứa virus sẽ phát tán trong không khí. Người khỏe mạnh bình thường nếu hít phải sẽ bị nhiễm bệnh. 

Trường hợp lây truyền gián tiếp, dịch tiết chứa virus bám vào các đồ vật mà người bệnh sử dụng. Nếu bạn dùng chung vật dụng cá nhân, tiếp xúc với virus và đưa tay lên miệng thì cũng có nguy cơ cao bị nhiễm quai bị. Ngoài ra, bạn không nên dùng chung bát, đũa, thìa, dĩa hoặc ăn chung đồ ăn thức uống với người bệnh để tránh bị lây truyền. 

bệnh quai bị lây qua đường nào
Virus quai bị phát tán trong không khí qua dịch tiết của người bệnh

4. Bị quai bị rồi có bị lại không?

Bị quai bị rồi có bị lại không là thắc mắc chung của nhiều người. Giải đáp câu hỏi này, BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, một người chỉ mắc bệnh quai bị duy nhất một lần trong đời. 

Sau khi mắc quai bị, trong cơ thể người bệnh sẽ tồn tại các kháng thể chống lại loại virus quai bị. Dù các kháng thể này được duy trì với nồng độ thấp nhưng sẽ có tác dụng bảo vệ và khả năng miễn dịch suốt đời. Do đó, những người đã mắc quai bị có thể yên tâm là không gặp phải căn bệnh này nữa. 

Một số người thường nhầm lẫn quai bị với viêm tuyến nước bọt. Đây là hai bệnh lý khác nhau do nguyên nhân khác nhau gây nên. Tuy nhiên lưu ý người từng mắc quai bị dù đã có kháng thể thì cũng cần chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. 

Bị quai bị rồi có bị lại không
Người bệnh quai bị chỉ bị duy nhất một lần trong đời

5. Bị quai bị có vô sinh không?

Người bệnh quai bị nếu không được điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến vô sinh ở cả nam giới và nữ giới. 

  • Đối với nam giới: viêm tinh hoàn làm giảm khả năng sinh tinh, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Viêm tinh hoàn nặng dẫn tới teo cả hai bên tinh hoàn, các tế bào trong tinh hoàn bị tổn thương vĩnh viễn, không thể phục hồi khiến nam giới bị vô sinh. 
  • Đối với nữ giới: viêm buồng trứng gây rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, ảnh hưởng đến khả năng nuôi trứng và rụng trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. 
Bị quai bị có vô sinh không
Biến chứng bệnh quai bị dễ gây vô sinh ở cả nam và nữ

Như vậy, bệnh quai bị là bệnh lây truyền và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm dẫn đến vô sinh. Vì vậy người bệnh không được chủ quan mà cần sớm điều trị đúng cách, chăm sóc sức khỏe và hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây bệnh không mong muốn. 


zalo imgBack To Top